Ý NGHĨA TẾT CỔ TRUYỀN
Nguồn gốc ngày tết cổ truyền
Việt Nam trải qua 1000 năm Bắc thuộc nên chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nền văn hóa Trung Hoa. Tết Nguyên Đán cũng là một trong những nét đẹp văn hóa được du nhập trong thời gian đó. Tết Nguyên Đán xuất phát từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế, đây là ngày mừng mùa vụ bội thu, mừng cảnh thái bình ấm no.
Tết Cổ Truyền Việt Nam
Trải qua rất nhiều thời kỳ với nhiều cái tên khác nhau đến ngày nay Tết Nguyên Đán là dịp giao thoa năm mới và năm cũ, là thời điểm tổng kết những thành tựu 1 năm đã qua. Đồng thời đưa ra những định hướng phát triển cho năm mới sung túc, hạnh phúc hơn.
Ý nghĩa ngày tết cổ truyền
Tết cổ truyền không chỉ là một sự kiện mà còn là sự thể hiện mối quan hệ gắn kết giữa người với người; sự cân bằng giữa thiên nhiên, cuộc sống và những giá trị tâm linh cao cả.
Tết cổ truyền thường được nhắc đến nhiều nhất với cái tên “Tết Nguyên Đán” là một trong những nét đẹp của văn hóa Việt Nam mỗi độ xuân về. Tết Nguyên Đán xuất phát từ phiên âm tiếng hán “Tiết Nguyên Đán” có nghĩa là thời gian khới đầu của năm mới, mùa mới. Là dịp mà mọi người ăn mừng một năm mùa vụ bội thu, cầu nguyện năm mới mùa màng lúa thóc đầy bồ. Thời nay, mỗi dịp Tết cổ truyền là thời gian chúng ta gửi tặng những món quà, lời chúc tốt đẹp nhất đến người thân, bạn bè, đồng nghiệp…
Mừng Tết đến và Lộc đến nhà nhà
Tết Nguyên Đán là dịp chúng ta thể hiện đạo lý “uống nước, nhớ nguồn” như câu “Mùng 1 Tết Cha – Mùng 2 Tết Chú – Mùng 3 Tết Thầy”. Là dịp mỗi người nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục và tri ân với cha, mẹ, người thân và những thầy cô đã dìu dắt trên con đường trưởng thành.
Tết Nguyên Đán còn là dịp hương hồn tổ tiên sẽ trở về vui vầy cùng con cháu. Ngày này, các gia đình tiến hành dọn dẹp ban thờ gia tiên thắp những nén hương thơm và bày mâm cỗ dâng lên tổ tiên của mình. Tổ tiên của mỗi gia đình sẽ phù hộ, độ trì cho con cháu được hạnh phúc, khỏe mạnh và làm ăn tấn tới.
Mỗi dịp tết là thời gian mà mọi người gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nguyện cầu an ấm, yên vui. Đây cũng là thời gian để tha thứ và hóa giải xung đột: “ Giận đến chết Tết cũng thôi”.
Tết Cổ Truyền là hoạt động văn hóa mang đậm giá trị truyền thống, nhân văn sâu sắc. Chính vì thế chúng ta hãy cùng nhau giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của ngày Tết Cổ Truyền mỗi độ Xuân về.