Nguồn gốc, ý nghĩa của ngày tết Hàn Thực
Hằng năm, cứ đến ngày tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3 âm lịch, người ta lại chuẩn bị hai món bánh trôi, bánh chay để dâng lên tổ tiên. Phong tục này không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà còn thể hiện truyền thống lâu đời của dân tộc.
Hằng năm, cứ đến ngày tết Hàn Thực mùng 3 tháng 3 âm lịch, người ta lại chuẩn bị hai món bánh trôi, bánh chay để dâng lên tổ tiên. Phong tục này không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà còn thể hiện truyền thống lâu đời của dân tộc.
Tết Hàn Thực từ lâu đã không còn xa lạ gì với mỗi người con đất Việt. Người ta thường biết đến tết Hàn Thực bởi những món bánh trôi bánh chay thơm thảo ngọt bùi, mà ít để ý tới nguồn gốc và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của nó...
Nguồn gốc của tết Hàn Thực
Trong tiếng Hán, “hàn” nghĩa là lạnh, “thực” nghĩa là ăn, tết Hàn Thực là ngày tết để ăn đồ ăn lạnh. Tết Hàn Thực từ lâu đã là một ngày tết cổ truyền trong văn hóa Việt, thế nhưng ít ai biết tới nguồn gốc của nó. Người ta cho rằng tết Hàn Thực bắt nguồn từ một điển tích của Trung Quốc, được biết đến qua tiểu thuyết Đông Chu Liệt Quốc:
Chuyển kể rằng, vào thời Xuân Thu (770 – 476 TCN), vua Tấn Văn Công gặp nạn phải bỏ nước lưu vong, sống trong cảnh nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy Giờ, có bậc hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua Tấn Văn Công, hiến nhiều mưu kế giúp vua trị nước. Ngày nọ, trên đường lánh nạn, lương thực của vua bị cạn kiệt, lại ở giữa đồng không mông quạnh, Giới Tử Thôi bèn lén xẻo một miếng thịt đùi của mình nấu lên dâng vua. Vua Tấn Văn Công ăn xong, hỏi ra mới biết, đem lòng cảm kích vô cùng. Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong mười chín năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công trong khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi.
Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, nghĩ mình làm được việc gì, cũng là cái nghĩa vụ của mình, chớ không có công lao gì đáng nói. Vì vậy về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm.
Từ đó về sau, dân chúng khắp nơi lấy ngày mùng 3 đến ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm làm ngày tết Hàn Thực. Vào những ngày này, người ta không nấu bếp lửa, chỉ ăn những món ăn nguội đã được chuẩn bị từ trước để tưởng niệm những người đã khuất.
Ý nghĩa của nhân văn của tết Hàn Thực
Tuy bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng tết Hàn Thực của người Việt mang nhiều nét đặc trưng rất riêng. Người Việt cúng tết Hàn Thực chỉ vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, họ không kiêng lửa trong ngày này, mà làm hai món bánh trôi bánh chay để cúng dâng lên tổ tiên. Hai món bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, là thứ đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Bánh trôi nặn viên nhỏ, bao bọc bên trong là nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước thì vớt ra vừa chín tới. Còn bánh chay nặn tròn dẹt, nhân đậu xanh đồ chín, luộc lên như bánh trôi, khi ăn có đổ kèm thêm bột sắn dây cho thêm phần ngọt bùi.
Bánh trôi, bánh chay
Có quan niệm cho rằng, bánh trôi bánh chay có từ thời Hùng Vương, là thức tượng trưng cho cội nguồn của người Việt, cho tích “bọc trăm trứng” của Âu Cơ và Lạc Long Quân: bánh trôi là biểu tượng của “năm mươi lên non”, còn bánh chay tượng trưng cho “năm mươi xuống biển”.
Chẳng biết tự bao giờ, truyền thống cúng tết Hàn Thực đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, để rồi cứ đến ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, người ta lại quây quần bên nhau để làm những món bánh truyền thống. Mùi thơm thảo của bột gạo, của chõ đỗ xanh, của đường mật lại quyện vào nhau, tạo nên không khí ngày tết đầm ấm và ý nghĩa.
- Tag:
- #phong tuc